Chương trình tết trung thu cho trẻ mầm non nên chuẩn bị những gì?
Tết trung thu là một trong những ngày tết lớn nhất Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt với con trẻ, cho nên ngày này còn được gọi là Tết thiếu nhi. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn một số thông tin về chương trình tết trung thu cho trẻ mầm non.
Tết trung thu, tết hoa đăng, tết đoàn viên, tết thiếu nhi, … là những tên gọi khác nhau của một ngày tết truyền thống được tổ chức khá trọng đại tại Việt Nam mỗi độ rằm tháng Tám (15/ 08 âm lịch).
Mặc dù xét về nguồn gốc, tết trung thu không phải xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam, tuy nhiên khi du nhập vào nước ta thì ý nghĩa của ngày tết trông trăng này lại trở nên gần gũi, bình dị, vui vẻ, thân thương hơn rất nhiều. Bên cạnh ý nghĩa là ngày tết đoàn viên, bên cạnh những câu chuyện gắn liền với các điển tích ly kỳ, thì tết trung thu đặc biệt ưu ái cho các bé thiếu nhi với những hoạt động vui chơi, giải trí, tặng quà, một mặt giúp các bé có được một ngày truyền thống thực sự ý nghĩa, trọn vẹn tiếng cười, mặt khác khắc sâu trong tiềm thức của các bé về sự sum vầy, yêu thương. Đối với trẻ mầm non – những em nhỏ trong độ tuổi từ khoảng 2 – 5 tuổi thì điều này lại càng được phản ánh rõ nét và cần thiết duy trì những chương trình ý nghĩa. Vậy thì chương trình tết trung thu cho trẻ mầm non nên được tổ chức như thế nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi một vài hoạt động, chương trình chi tiết cho tết trung thu của trẻ mầm non dưới đây nhé.
Tìm hiểu thêm:
- Cách nấu xôi vò thơm ngon tại nhà
- Kế hoạch tổ chức tết trung thu cho thiếu nhi đặc sắc
Tổ chức hoạt động – trò chơi tết trung thu cho trẻ mầm non
Về cơ bản, do đặc trưng về độ tuổi cũng như tính phù hợp với mức độ nhận thức của trẻ mầm non nên hoạt động – trò chơi tết trung thu cho trẻ mầm non cũng phải được tổ chức một cách hợp lý nhất, được quy định tương đối bởi các trò chơi lành mạnh, đơn giản, dễ làm, đảm bảo các bé có thể tham gia xây dựng cùng. Thí dụ: Làm bánh, làm đồ chơi, múa hát, phá cỗ trăng rằm.
Bày cỗ – phá cỗ
Khác với mâm cỗ chuẩn bị cho thờ cúng tại gia đình. Cũng không giống với các mâm cỗ quà tặng hay cỗ dành cho người lớn. Bày cỗ cho tết trung thu của trẻ mầm non có rất nhiều khác biệt, làm nên tính đặc trưng sau:
- Tính đa dạng: Về số lượng, chủng loại, màu sắc
- Tính phù hợp với sở thích của con trẻ: Những món mà các bé đều thích làm và thích ăn
- An toàn
- Không nhất thiết phải đảm bảo tuân thủ quy cách (nguyên tắc) sắp cỗ trung thu truyền thống
- Nhiều món đồ handmade đáng yêu
Hiện nay, mâm cỗ trung thu cho trẻ mầm non thường có hình ảnh trung tâm là con chó được làm handmade từ những tép bưởi. Xung quanh chú chó có thể bày biện tùy thích những món bánh kẹo nhỏ, bánh trung thu hình thú, hình bông hoa, hình lá, hình tượng trưng đa dạng phong phú cho các sự vật tồn tại xung quanh bé. Ngoài ra là các loại trái cây, thạch, nước trái cây, bánh tự làm.
Lưu ý nếu cỗ chuẩn bị có những bé nhỏ tuổi hơn có thể sắp những món phù hợp như kẹo, bánh được làm từ sữa.
Bên cạnh đó thì khi xây dựng chương trình bạn nên dành nhiều hơn những công đoạn bày cỗ để các bé có thể cùng tham gia.
Làm đồ chơi
Nói đến đồ chơi trung thu thì tại Việt Nam nhiều vô kể, không giới hạn vùng miền, sở thích, độ tuổi, trong đó hầu hết các món đồ chơi các bé mầm non đều có thể cùng chơi và cùng tham gia tự làm trong chương trình tết trung thu cho trẻ mầm non. Ví dụ như: Lồng đèn, lồng đèn ngôi sao, lồng đèn cá chép, lồng đèn giấy, tò he, mặt nạ, trống, chong chóng, bóng bay, … Lưu ý những họa tiết nhỏ và nếu có bằng kim loại thì bạn có thể tách ra tự làm.
Ngoài ra hiện nay những mô hình đồ chơi trung thu như ô tô, tàu lửa, tàu thủy, trang trại, những hình ảnh về các nhân vật hoạt hình mà các bé yêu thích như Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, hình ảnh cây cối, hoa lá, chú Cuội, chị Hằng Nga, … cũng được làm handmade và trang trí rất nhiều trong những chương trình tết trung thu cho trẻ mầm non.
Làm bánh
Chắc chắn rồi, bánh trung thu là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ trung thu của trẻ mầm non nói riêng, chương trình tết trung thu mầm non nói chung. Thay vì mua bánh bán sẵn tại hàng quán, các bạn có thể tự làm những món bánh trung thu đơn giản để các bé lớn tuổi (4, 5 tuổi) có thể cùng tham gia ở một vài khâu đơn giản: Nặn bột, buộc dây, xếp bánh.
Một số loại bánh có thể tự chuẩn bị và làm cho dịp tết trung thu của bé:
- Bánh nướng
- Bánh dẻo
- Bánh rau câu
- Bánh ngọt
- Bánh vị sữa
Rước đèn
Tục rước đèn cũng là một trong những trò chơi trung thu truyền thống rất ý nghĩa còn được lưu truyền đến ngày nay.
Tục rước đèn gắn liền với thả hoa đăng, múa lân, đều mang ý nghĩa về sự may mắn. Tuy nhiên đối với tết trung thu của trẻ mầm non thì bạn chỉ nên tổ chức lễ rước đèn nhỏ. Những ánh đèn đủ màu sắc chắc chắn sẽ khiến các bé có một ngày tết thiếu nhi trọn vẹn, đong đầy hơn.
Múa hát
Bên cạnh những hoạt động – trò chơi dân gian đặc trưng cho tết trung thu, các bạn cũng có thể xây dựng chương trình tết trung thu cho trẻ mầm non với hoạt động hát và múa. 2 hoạt động này dường như là 2 hoạt động dễ tổ chức nhất và bé nào cũng có thể tham gia. Tuổi nhỏ hát bài nhỏ, tuổi lớn hát bài lớn. Múa hát chắc chắn sẽ là một trong những hoạt động khuấy động bầu không khí tốt nhất lại không tốn kém chi phí, chưa kể còn giúp các bé có thể phát huy được tài năng của mình.
Tặng quà tết trung thu cho trẻ mầm non
Tặng quà không chỉ dừng lại ở ý nghĩa là một hoạt động cho dịp tết trung thu, mà nó còn như một tập tục truyền thống. Tục tặng quà lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người ta có thể chuẩn bị cho nhau nhiều món quà cùng những lời chúc tốt đẹp về sự may mắn, đầy đủ, bình an. Và đối với thiếu nhi, trẻ mầm non thì hoạt động này lại càng thêm phần ý nghĩa vì rất đơn giản: Bé nào cũng thích có quà trong ngày tết của mình.
Đồ chơi
Đối với trẻ mầm non thì một trong những loại quà được ưa chuộng nhất đó chính là đồ chơi.
- Lồng đèn: Lồng đèn ngôi sao, lồng đèn hình cá, lồng đèn hình cầu, lồng đèn giấy hình thoi, lồng đèn hình bông hoa, lồng đèn hình quả cầu lửa
- Tò he
- Mặt nạ
- Mô hình đồ chơi
- Gấu bông, búp bê
- Đồ chơi theo nhóm nghề
Bánh kẹo
Ngoài đồ chơi thì bánh kẹo cũng là một lựa chọn. Bên cạnh các loại bánh trung thu quen thuộc, khi chuẩn bị quà trung thu cho các con bạn hoàn toàn có thể chọn những loại bánh ngọt, bánh mặn, bánh sữa, … chắc chắn sẽ khiến các bé thích thú.
Quà đặc biệt cho trẻ mầm non 2 – 3 tuổi
Tặng quà gì cho bé 2 tuổi là câu hỏi mà rất nhiều người bận tâm vì trong thực tế, ở độ tuổi này có rất nhiều trò chơi cũng như bánh kẹo mà bé không thể sử dụng cũng như không thể cảm nhận được ý nghĩa của nó. Vậy thì với độ tuổi này nên chọn quà gì? Chắc chắn không thể không tặng quà cho bé khi mà các bé khác đều có.
Ở độ tuổi này bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những món quà bổ trợ phát triển trí tuệ cho bé, ví dụ như: Đồ chơi bảng xếp chữ, xếp hình, nhận biết âm thanh, hình ảnh.
Đơn giản hơn thì sữa, bánh kẹo chuyên dụng cho trẻ em 2 tuổi cũng là một phương án.
Ngoài ra đối với các bé gái thì bạn cũng có thể lựa chọn kẹp tóc, quần áo, váy, … làm quà tặng.
Cách tặng quà cho bé
Để thay đổi không khí, thay vì trao từng món quà nhỏ giống nhau cho các con, người tổ chức chương trình có thể chuẩn bị thật nhiều món quà khác nhau, để các bé tự chọn hoặc bốc thăm. Với hình thức này thì những món quà mà các bé có được sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.
Ngoài ra đối với những bé lớn tuổi hơn trong lớp (trường), các bạn cũng có thể tổ chức những cuộc thi hát, múa, làm bánh nho nhỏ, sau đó sẽ có những phần quà tốt đẹp nhất với ý nghĩa là thành phẩm nhận được khi các bé bỏ ra công sức của mình.
Nên tổ chức chương trình tết trung thu cho trẻ mầm non ngoài trời hay trong nhà?
Để tổ chức chương trình tết trung thu cho trẻ thì chắc chắn phải lựa chọn thời gian, không gian tổ chức. Và một câu hỏi được đặt ra đó là nên tổ chức tết trung thu cho các bé ở trong nhà hay ngoài trời?
Tùy thuộc vào số lượng trẻ, điều kiện về thời tiết, khí hậu, vùng miền, chi phí hỗ trợ, … mà bạn có thể lựa chọn không gian trong nhà hoặc ngoài trời. Mỗi không gian đều có ưu, nhược điểm riêng.
Ưu, nhược điểm của không gian trong nhà:
- Ưu điểm: An toàn, hạn chế những vấn đề rủi ro về thời tiết
- Nhược điểm: Ít tính gần gũi với thiên nhiên, hạn chế một số hoạt động vui chơi tự do như rước đèn, trông trăng, ngắm hoa đăng
Ưu, nhược điểm của không gian ngoài trời:
- Ưu điểm: Rộng rãi, thoải mái, không giới hạn diện tích tổ chức, đảm bảo có thể thực hiện được rất nhiều hoạt động vui chơi văn hóa truyền thống
- Nhược điểm: Thường gặp phải các vấn đề về thời tiết, khí hậu và kém an toàn hơn
Hiện nay, thay vì lựa chọn không gian an toàn trong lớp học, nhiều trường mầm non có kinh phí tốt thường có xu hướng thuê không gian rộng ngoài trời để tổ chức tết trung thu cho bé. Không gian rộng rãi một mặt cho phép tổ chức được nhiều hoạt động hơn, mặt khác thì ông bà, bố mẹ, anh chị của bé cũng có thể tham dự cùng do đó cũng không e ngại nhiều rủi ro hay sự cố phát sinh.
Dù chưa phải là tất cả, nhưng mong rằng với những chia sẻ trên đây của Trang thông tin Đồ Cúng Việt Nam thì các bạn đã nắm được những hoạt động chính trong chương trình tết trung thu cho trẻ mầm non, có thể áp dụng trong thực tế mỗi dịp tết trung thu về. Chúc các bạn sẽ có được những hoạt động sáng tạo, vui vẻ trong chương trình thú vị này nhé.